|
Đọc cuốn Mật mã - từ cổ điển đến lượng tử là bạn đang chứng kiến một cuộc đấu trí giữa những bộ óc thông minh nhất trong lịch sử, căng thẳng và quyết liệt hơn “chiến tranh giữa các vì sao” nhiều.
Tiếp sau các cuốn Bảy nàng con gái của Eva viết về di truyền học, Thế giới lượng tử kỳ bí về lượng tử, tủ sách Khoa học & Khám phá tiếp tục giới thiệu tới độc giả Việt Nam cuốn sách căn bản và hấp dẫn nhất từ trước đến nay về khoa học mật mã: Mật mã - từ cổ điển đến lượng tử.
Như nhiều cuốn sách khoa học phổ thông khác của phương Tây, Mật mã - từ cổ điển đến lượng tử mở đầu hết sức cuốn hút bằng việc tường thuật lại một câu chuyện đầy kịch tính.
Đó là buổi sáng thứ bảy, ngày 15/10/1586. Tác giả viết như thể chính ông đang được dự phiên tòa xét xử Nữ hoàng Mary của xứ Scotland, bị buộc tội âm mưu ám sát Nữ hoàng Anh Elizabeth, để chiếm ngôi.
Elizabeth chỉ có thể xử tử Mary nếu triều đình của bà chứng minh được rằng Mary có tham gia âm mưu phản nghịch. Mà chỉ có thể chứng minh điều đó nếu người ta giải mã được những bức thư bà trao đổi cùng kẻ mưu phản, bao gồm toàn những ký hiệu vô nghĩa.
Các lá thư đều đã được mã hóa. Đằng sau những ký hiệu bí ẩn kia là một bí mật chết người: kế hoạch ám sát Nữ hoàng Elizabeth. Vấn đề của triều đình và tòa án nước Anh là phải giải mã chúng để có thể tuyên án xử tử kẻ chủ mưu - Nữ hoàng Mary xứ Scotland.
"Nói cách khác, nếu mật mã của Mary đủ mạnh để che giấu được bí mật của mình thì bà có cơ may sống sót. Đây không phải là lần đầu tiên mạng sống của một người phụ thuộc vào sức mạnh của một mật mã".
Tác phẩm của Simon Singh về khoa học mật mã đã mở đầu ấn tượng như thế.
Sau đó tác giả đưa người đọc ngược dòng lịch sử, trở về những ngày còn là "thuở sơ khai" của kỹ thuật mật mã. Độc giả ham hiểu biết ắt sẽ thấy thú vị vô cùng với các thủ thuật "giấu thư": cạo tóc người đưa tin, viết thư lên da đầu ông ta rồi chờ tóc mọc lại để che đi thông tin bí mật; viết thư bằng thứ mực trong suốt làm từ cây thithymallus, khi cần giải mã, người nhận chỉ cần hơ nóng thư là sẽ đọc được...
Sẽ còn thú vị hơn khi người đọc bắt đầu làm quen với những kỹ thuật mã hóa ở dạng đơn giản nhất, để rồi từ đó, cùng tác giả lần lượt tham gia vào những "ván bài" cam go hơn, khi các hệ thống mật mã phức tạp hơn đã ra đời.
Ví dụ, từ "belief" (tiếng Anh nghĩa là niềm tin) có thể được mã hóa như thế này: belief -> be-lief -> bee-leaf (trong đó "bee" là con ong, "leaf" là cái lá) -> dòng ký hiệu sẽ là một con ong và một chiếc lá.
Thông tin kinh tế, an ninh quốc phòng, chuyện đời tư... Sống trong kỷ nguyên Internet, chúng ta càng cần đến mật mã hơn bao giờ hết, và do đó cuộc chiến mã hóa - phá mã lại càng cam go hơn. Cuốn sách của Simon Singh vì thế đã chứng tỏ tính thời sự rất cao.
Nếu vì đọc tác phẩm này mà có độc giả trẻ Việt Nam nào nuôi ước mơ trở thành một nhà khoa học mật mã, thì xin chúc mừng: Bạn sẽ bước chân vào thế giới của những bộ óc thông minh nhất nhân loại, và có thể nói không ngoa rằng tương lai kinh tế - an ninh - quốc phòng của đất nước trong thời đại thông tin này trông cậy rất nhiều vào bạn.
Hoàng Thư
(Nguồn: Báo Tuần Việt Nam)
Sản phẩm cùng loại |
1. | The scientist who‘s in love with literature
Pham Van Thieu loved writing and poetry from the moment he learnt to read. However, he wanted to be a mathematician. In the end he became a physicist. He has written 18 popular science books and is editor-in-chief of Physics and Youth Magazine.
|
2. | Thư của GS.TSKH Đặng Vũ Minh gửi Tủ sách.
Đây là bức thư của GS. TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) gửi Tủ sách Khoa học và..
|
3. | Chương trình giao lưu Khoa học và Khám phá
Tháng 11/2009, NXB Trẻ cùng nhóm chủ biên bộ sách Khoa học và khám phá tổ chức buổi giao lưu xoay quanh những nội dung khoa học hiện đại.
|