Fukushima và những hệ lụy - Kỳ cuối
Sự cố Fukushima nhắc nhở các chính phủ và các tổ chức quốc tế về những hậu quả trầm trọng và lâu dài của thảm họa Chernobyl, mà nếu không có hỗ trợ quốc tế thì chắc chắn Ukraine không thể đủ sức hóa giải.
Kỳ cuối: Fukushima và Chernobyl nhìn từ hai phía
Cảnh hoang tàn gần nhà máy Chernobyl
|
|
|
Nhà máy Chernobyl ngày nay. Ảnh: tư liệu
|
|
1 giờ 23 phút sáng ngày 26.4.1986, do sai lầm nghiêm trọng về kỹ thuật, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (Ukraine) phát nổ. Trong suốt 10 ngày liền, 6,7 tấn vật liệu phóng xạ tự do phát tán ra môi trường, trực tiếp làm phơi nhiễm một vùng rộng 200.000 km
2 với số dân lên tới 5 triệu. Nhiều chục người bị chết do nhiễm xạ nặng trong vòng vài tháng sau thảm họa. Nhiều ngàn người bị ung thư tuyến giáp trong các năm tiếp theo. Tỷ lệ người bị mắc các bệnh bạch cầu, đục thủy tinh thể, tim mạch, ung thư phổi…, đều tăng khác thường. Các đồng vị có thời gian bán rã lớn, như: caesium (30 năm), strondium (29 năm) và plutonium (24 năm), đang và sẽ tiếp tục biến sông Pripyat thành dòng sông chết, nhiều làng mạc và thị trấn thành hoang hóa. Hậu quả nhiều mặt không lường hết và chưa biết còn kéo dài đến bao giờ. Nhưng, dường như thời gian có thể làm con người quên đi nỗi đau. Theo Jim Smith, nhà sinh thái phóng xạ ở đại học Portsmouth (Anh), một chuyên gia hàng đầu về hậu quả Chernobyl, thì cho đến trước cái ngày định mệnh 11.3.2011, hầu hết các nhà tài trợ cũng như nhà khoa học đã không còn quan tâm đến Chernobyl nữa!
14 giờ 46 phút ngày 11.3.2011, một vụ động đất có cường độ mạnh nhất trong các vụ ghi nhận được, đã làm rung chuyển vùng đông bắc Nhật Bản, gây sóng thần cao 14 m. Thảm họa kép đã ập thẳng vào các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Mặc dù, khác với Chernobyl, các lò đã ngay lập tức ngừng hoạt động, chúng vẫn phát tán ra môi trường một lượng phóng xạ lớn đủ gây chấn động mọi quốc gia (nhất là các quốc gia đang sở hữu điện hạt nhân). May thay, chính nhờ các bài học quý giá từ Chernobyl, mà các nhà chức trách Nhật đã có các quyết sách đúng đắn và rất kịp thời: sơ tán khẩn cấp dân trong vùng lân cận và ngay hôm sau mở rộng vùng sơ tán lên bán kính 20km; phân phát miễn phí potassium iodide để phòng ung thư tuyến giáp; phong tỏa sữa và thực phẩm xuất xứ từ các tỉnh xung quanh nhà máy; kịp thời theo dõi sức khỏe của dân cư trong vùng ảnh hưởng; công khai và minh bạch mọi thông tin về phóng xạ; và tranh thủ hỗ trợ quốc tế. Rõ ràng là các quyết sách này đã và đang hạn chế đến mức tối đa ảnh hưởng của phóng xạ lên sức khỏe con người, đồng thời tác động tích cực lên quá trình đối phó, tiến tới khống chế rò rỉ phóng xạ. Sau gần hai tháng, mới đây lần đầu tiên con người đã vào được bên trong lò số 1, trực tiếp chuẩn bị cho các biện pháp kiểm soát phóng xạ chủ động và hiệu quả hơn.
Tổng thư kí LHQ Ban Ki Moon gióng chuông kỉ niệm 25 năm thảm họa Chernobyl
|
|
|
Nhật đang cố gắng khắc phục hậu quả tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima. Ảnh: Tepco
|
|
Đáp lại, chính Fukushima cũng đang trợ giúp Chernobyl. Cho dù các lò phản ứng ở Chernobyl đã ngừng hoạt động từ năm 2000, nhà máy này vẫn tiếp tục sinh ra một lượng lớn chất thải phóng xạ,phần vì tình trạng ngập lụt thường xuyên ở các toà nhà chứa chất thải và trong phòng turbine của lò số 4 dẫn tới hàng tháng phải bơm ra ít nhất 300.000 lít nước nhiễm xạ, phần vì khoảng 200 tấn vật liệu nhiễm xạ cao, gần 25.000 hộp nhiên liệu đã qua sử dụng và các chất thải khác vẫn nằm sâu trong lòng nhà máy. Nhưng, nghiêm trọng nhất là chiếc “quan tài đá” mà Liên Xô (cũ) xây vội vào tháng 11.1986 để “chôn” lò số 4, nay đã xuống cấp trầm trọng. Ngay từ năm 2001 Quỹ bảo vệ Chernobyl đã thống nhất sẽ tài trợ cho Ukraine 1,4 tỷ USD để làm một “quan tài thép” trùm lên “quan tài đá” với hi vọng sẽ tiếp tục “chôn” được lò số 4 trong khoảng 100 năm nữa. Thế nhưng, sau gần 10 năm số tiền quyên góp được vẫn còn thiếu chừng một nửa. Hi vọng là, chính sự cố Fukushima sẽ nhắc nhở các nhà tài trợ mở rộng hầu bao để đến 2015 lò số 4 Chernobyl sẽ có được vỏ bọc mới như dự định (trước khi vỏ cũ không còn tác dụng). Tìm nguồn tài trợ cũng là một trong các mục đích chính của hội nghị “Chernobyl, 25 năm: An toàn cho tương lai” vừa tổ chức ở Kiev và có lẽ cũng là một trong các thông điệp gửi đi từ ngày lễ kỷ niệm 25 năm thảm họa Chernobyl do Liên hợp quốc tổ chức ở New York ngày 26.4 vừa qua. Hi vọng là, một khi lò số 4 có vỏ bọc mới an toàn, việc tẩy rửa Chernobyl sẽ hoàn tất vào năm 2065 như mong muốn để trả lại sự bình an cho dòng sông Pripyat và sự trù phú vốn có của dân cư trong vùng. Tất cả những gì đang làm ở Chernobyl hôm nay đều là bài học quý giá cho Fukushima những năm sắp tới.
Quy mô tác hại của Fukushima nhỏ hơn nhiều so với Chernobyl, nhưng tầm ảnh hưởng thì không. Hai sự cố xảy ra trong hai hoàn cảnh khác hẳn nhau. Nếu như năm 1986 thế giới còn chìm trong chiến tranh lạnh thì ngày nay tất cả đều hướng tới một thế giới hội nhập. Nếu năm 1986 nhiều người còn mù mờ về tác hại của phóng xạ thì ngày nay nhiều nước đã phải đóng cửa lò phản ứng hạt nhân chỉ vì yêu cầu của dân chúng. Nếu năm 1986 các nguồn năng lượng tái sinh phần nhiều còn trong quá trình thử nghiệm, thì nay chúng đã được chứng tỏ là hoàn toàn có thể thay thế các nguồn năng lượng khác trong tương lai. Mới vừa rồi, chính phủ Nhật đã quyết định xem xét lại đường lối phát triển năng lượng vừa mới thông qua tháng sáu năm ngoái với định hướng sẽ ưu tiên năng lượng tái sinh.
Nguyễn Trần - Nguyễn Vượng (theo Nature)
Theo sgtt.vn