Kiểm tra mức độ phóng xạ trên trẻ em ở trại tạm cư gần nhà máy điện nguyên tử Fukushima. Ảnh: tư liệu |
Bài 1: Thế giới điện hạt nhân hậu Fukushima?
Hiểm họa nhiều tầng. Nhiễm xạ tức là nhiễm các đồng vị phóng xạ. Khi xảy ra sự cố lò phản ứng hạt nhân, nhiều loại đồng vị phóng xạ có thể thoát ra, phát tán đi mọi nơi, khu trú ở đâu đó và phân rã dần theo thời gian với nhịp độ rất khác nhau. Mức độ nhanh, chậm của quá trình phân rã được đo bằng một đại lượng gọi là thời gian bán rã (half-time) – đó là khoảng thời gian cần thiết cho một đồng vị phân rã đến mức chỉ còn một nửa nồng độ ban đầu. Nếu như thời gian bán rã của Chlorine-38 chỉ là 37 phút (phát hiện thấy ở nước trong tòa nhà gần lò số 1 Fukushima ngày 26.3), thì với plutonium lại là những 28 năm (rất nhiều công nhân ở nhà máy vũ khí hạt nhân Mayak, Liên xô cũ, đã hít phải đồng vị này).
Trong các đồng vị phóng xạ thoát ra từ sự cố lò phản ứng hạt nhân thì caesium-137 và iodine-131 là hai kẻ gây hại nguy hiểm nhất. Cả hai đồng vị này đã tìm thấy trong môi trường xung quanh sau vụ nổ lò phản ứng Chernobyl (Ukraine) năm 1986 cũng như sự cố Fukushima hiện nay. Chúng nguy hiểm trước hết vì rất phổ biến và rất dễ phát tán nên dễ gây ô nhiễm trên diện rộng. Caesium-137 có thời gian bán rã rất dài, tới 30,2 năm, nên một khi đã thâm nhập vào môi trường (như đất, nước…) thì nó có thể gây hại trong thời gian hàng trăm năm. Iodine-131, ngược lại, có thời gian bán rã khá ngắn, chỉ tám ngày, nhưng nó lại là mối đe dọa lớn cho sức khỏe con người. Iodine-131 tích tụ rất nhanh ở tuyến giáp để rồi gây ung thư, nhất là với trẻ em, khi tuyến giáp còn đang phát triển (ung thư tuyến giáp có thể chữa được nếu phát hiện sớm). Do tính chất và mức độ tác hại khác nhau như vậy, nên mỗi khi có sự cố hạt nhân người ta cần theo dõi sát nồng độ của từng loại động vị và sự thay đổi của chúng theo thời gian.
“Dù đang tranh biện về rất nhiều vấn đề, các nhà khoa học đều nhất trí khuyến cáo rằng thực phẩm và nước uống nhiễm xạ là nguồn hiểm họa lớn nhất mà bạn luôn phải tránh xa” |
Hiểm họa bất ngờ. Báo cáo ngày 30.3 của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết mức độ nhiễm caesium-137 trong vùng bán kính 25 đến 58 km xung quang nhà máy Fukushima là từ 0,02 đến 3,7 megabecquerels trên một mét vuông (MBq/m2), trong khi đó lại không thấy dấu hiệu rõ ràng của đồng vị này ở khu vực gần hơn [Nature 472]. Những con số đáng ngạc nhiên này cho thấy, sau khi thoát ra từ lò các đồng vị phóng xạ phát tán và phân bố trong môi trường rất không đồng đều tùy theo thời tiết, địa hình, nhà cửa… Trong cùng một khu vực hẹp, có nơi độ phóng xạ rất thấp, không đáng ngại (nơi thoáng đãng), lại có nơi rất cao, cần sơ tán gấp (nơi tụ gió).
Sau vụ nổ bom nguyên tử ở Nhật năm 1945, các nhà khoa học Mỹ và Nhật (dưới sự tài trợ của tổ chức có tên Radiation Effects Research Foundation) đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của phóng xạ lên sức khỏe con người. Nhóm đối chứng gồm tới 94.000 người sống sót sau hai vụ nổ bom ở Nagasaki và Hiroshima (đã làm chết ngay lập tức khoảng 200.000 người). Nghiên cứu kéo dài trên sáu mươi năm. Để đánh giá độ nhiễm xạ ban đầu (ngay sau bom nổ) của các thành viên trong nhóm đối chứng, các nhà nghiên cứu đã phải tổ chức một cuộc đại điều tra nhằm xác định vị trí của từng người vào thời điểm bom nổ: địa chỉ, trong hay ngoài nhà, dưới trệt hay trên lầu, có gần cửa sổ hay không… Đồng thời họ xây dựng ở sa mạc Nevada một "làng" Nhật, đưa nguồn uranium lên một tháp cao, rồi đo nồng độ neutrons phát tán từ nguồn ở các địa điểm khác nhau trong làng, các vị trí khác nhau trong mỗi ngôi nhà. Đo đạc lặp đi lặp lại trong khoảng thời gian dài ở điều kiện thời tiết khác nhau, rồi mới đưa ra được một tập thống kê mô tả gần đúng phân bố phóng xạ trong môi trường xung quanh sau nổ bom và qua đó đánh giá độ nhiễm xạ ban đầu của mỗi đối tượng nghiên cứu.
VAEI - hình ảnh mô phỏng máy phóng xạ trong vùng DNA. Ảnh: tư liệu |
Sở dĩ phải làm công phu như vậy vì phân bố phóng xạ trong “làng” rất phức tạp, rất không đồng đều. Với một “làng” mà đã như vậy, nói chi một tỉnh, một quốc gia. Bởi thế, khi có sự cố lò phản ứng hạt nhân các con số về độ phóng xạ được thông báo cho một khu vực nào đó thường chỉ mang ý nghĩa thống kê và luôn ẩn chứa rất nhiều ngoại lệ, rất nhiều bất ngờ, như Declan Butler đã viết trong Nature “rất khó xác định bức tranh thực của phơi nhiễm cộng đồng”.
Hiểm họa chưa lộ diện. Mới đây, Jim Smith, tác giả hàng đầu về thảm họa Chernobyl viết: “Các nhà chức trách Nhật có thể sẽ phải viết lại các quy định an toàn vì họ đã bắt đầu xem liều lượng 250 mSv là cho phép với công nhân phóng xạ”. Sở dĩ nói có thể viết lại vì thực ra rất khó xác định chính xác giới hạn trên cho phép của độ phơi nhiễm. Vì thời gian bán rã của đồng vị phóng xạ có thể rất dài nên chúng tích tụ lại theo năm tháng. Thông thường xem 1 mSv/năm là giới hạn phơi nhiễm cao nhất cho phép. Nhưng, dường như 5 – 10 mSv/năm cũng chưa có vấn đề gì. Bằng cớ là nhiều triệu người đang sống bình thường ở các vùng có độ phóng xạ tự nhiên cao, mặc dù họ thường xuyên bị phơi nhiễm tới hơn 10 mSv/năm. Thực ra, những gì các nhà khoa học hiện đang có chủ yếu là được tổng kết từ các nghiên cứu tiến hành với dân cư ở các vùng đã xảy ra sự cố hạt nhân, như ở Hiroshima-Nagasaki hay Chernobyl. Cho dù nghiên cứu rất công phu, kết luận tin cậy thu được không nhiều. Theo dõi 94.000 người sống sót sau nổ bom ở Nhật người ta thấy sự gia tăng đột biến của số người bị bệnh bạch hầu vào năm 1950 và đến năm 1998 có 7.851 người bị ung thư.
Nhưng có thực là tất cả các ca bệnh này đều do nhiễm xạ? Việc xác minh rất không đơn giản. Hóa ra là trong số 7.851 ca ung thư đã phát hiện chỉ 11% là do nhiễm xạ. Với Chernobyl cũng mới chỉ có một con số rõ ràng là khoảng 6.000 người trong vùng ảnh hưởng đã bị ung thư tuyến giáp, trong đó phần nhiều là những người khi xảy ra sự cố vẫn đang còn nhỏ tuổi hoặc đã uống sữa của các con bò ăn phải cỏ nhiễm xạ. Dillwyn Williams, nhà nghiên cứu hàng đầu về ung thư ở Starngeways Research Laboratory in Cambridge (Anh) nói: “rất khó dự đoán ảnh hưởng của phóng xạ lên sức khỏe con người”.
Trong khi hiểm họa phóng xạ là rất khó lường, trong khi còn rất nhiều điều chưa rõ về tác động của phóng xạ lên sức khỏe con người, thì việc thiết yếu mỗi người nên làm là hãy tự bảo vệ mình. Dù đang tranh biện về rất nhiều vấn đề, các nhà khoa học đều nhất trí khuyến cáo rằng thực phẩm và nước uống nhiễm xạ là nguồn hiểm họa lớn nhất mà bạn luôn phải tránh xa.
Nguyễn Trần – Nguyễn Vượng (theo Nature 472 & Science 331)
Kỳ 3: Sắp có thuốc phòng và trị bệnh phóng xạ?
Các tin khác |
1. | The scientist who‘s in love with literature
Pham Van Thieu loved writing and poetry from the moment he learnt to read. However, he wanted to be a mathematician. In the end he became a physicist. He has written 18 popular science books and is editor-in-chief of Physics and Youth Magazine.
|
2. | Thư của GS.TSKH Đặng Vũ Minh gửi Tủ sách.
Đây là bức thư của GS. TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) gửi Tủ sách Khoa học và..
|
3. | Chương trình giao lưu Khoa học và Khám phá
Tháng 11/2009, NXB Trẻ cùng nhóm chủ biên bộ sách Khoa học và khám phá tổ chức buổi giao lưu xoay quanh những nội dung khoa học hiện đại.
|