Ông Simon Lehna Singh |
>> Kỳ 1: Những người bạn lớn của toán học VN
>> Kỳ 2: Ngô Bảo Châu sản phẩm đặc biệt của A0
>> Kỳ 3: Đôi cánh gia đình
>> Kỳ 4: Ngô Bảo Châu và duyên kỳ ngộ với Pháp
>> Kỳ 5: Những điều thú vị về Ngô Bảo Châu
>> Kỳ 6: Ai là tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam?
>> Kỳ 7: Đàm Thanh Sơn: Đâu chỉ một hệ thức tổng quát!
Ủy ban xét chọn dường như là một tiêu chí để đánh giá chất lượng của giải: chủ tịch ủy ban này là M.S. Narasimhan (Ấn Độ), các ủy viên còn lại đều là những nhân vật lừng danh: L. Lovasz (Hungary, chủ tịch IMU), J. Ball (Anh), J. Palis (Brazil) đều là cựu chủ tịch IMU và M.S. Raghunathan (Ấn Độ, chủ tịch ban tổ chức ICM 2010).
Khác tất cả những giải thưởng khác, được trao cho các nhà toán học với những kết quả đặc sắc trong cả một lĩnh vực rộng lớn hay trong các lĩnh vực riêng biệt khác nhau, giải Leelavati được dành riêng cho những nhà văn, nhà báo chuyên viết về các chủ đề liên quan đến khoa học nói chung và toán học nói riêng.
Leelavati - giải thưởng mới về một thể loại mới
Theo tài liệu của Ủy ban báo chí ICM 2010, “Leelavati” là tên một tác phẩm toán học của Ấn Độ, xuất hiện trong thế kỷ 12, dành cho số học và đại số, được viết bởi nhà toán học Ấn Độ Bhaskara II, hay còn gọi là Bhaskaracharya. Dưới dạng thơ ca, trong tác phẩm này tác giả đã nêu ra cho Leelavati (cũng chính là con gái) một loạt vấn đề về số học (cơ bản) và cùng đi tìm lời giải cho những câu hỏi đó.
Công trình độc đáo này trở thành tài liệu cơ bản để dạy và học toán trong xứ Ấn Độ cổ xưa, nhanh chóng được dịch ra tiếng Ba Tư và có ảnh hưởng to lớn khắp cõi Tây Á. Ban tổ chức ICM 2010 muốn rằng giải không chỉ được trao một lần vào năm nay mà sẽ trở thành một giải thông lệ trong những năm tới. Chúng ta nhớ tới bài phát biểu của Tổng thống Ấn Độ Smt. Pratibha Patil trong phiên khai mạc, khi bà nói đại ý rằng bà không phải là một nhà toán học nhưng bà đến từ một đất nước có truyền thống toán học.
Giải thưởng Leelavati lần đầu tiên năm nay được trao cho Simon Lehna Singh, một tác giả vốn đã quen thuộc với Việt Nam và có một sự nghiệp khá đặc biệt. Singh sinh ngày 1-1-1964 trong một gia đình Ấn Độ đã di cư từ bang Punjab sang Anh. Ông học vật lý tại Imperial College ở London và tại Đại học Tổng hợp danh tiếng Cambrige. Đấy cũng là nơi ông đã nhận học vị tiến sĩ về một công trình trong lĩnh vực các hạt cơ bản. Ông cũng đã làm việc tại CERN, Geneva, Thụy Sĩ, trung tâm nghiên cứu năng lượng cao của cả cộng đồng châu Âu.
Năm 1990, tham gia bộ phận “Science and Features” của BBC, năm 1996 ông gắn bó với Andrew Wiles và câu chuyện độc nhất vô nhị về Định lý cuối cùng của Fermat, câu chuyện đã khiến một nhà vật lý trở thành một tác giả nổi tiếng trong thể loại mới của sách khoa học, những cuốn sách không chỉ chuyển tải kiến thức mà chủ yếu làm rung động lòng người, qua đó đem lại niềm say mê, khao khát khám phá.
Hai cuốn sách của Simon Lehna Singh đã được phát hành tại VN |
Vì sao Andrew Wiles không được giải Fields?
Tác phẩm khiến Singh nổi tiếng có tên gọi khá giản dị:”Định lý cuối cùng của Fermat”, giản dị như chính cách phát biểu của bài toán:
Phương trình xn + yn = zn, với n là số nguyên lớn hơn 2, không có nghiệm là các số nguyên.
Khi n = 2, phương trình có nghiệm và chúng ta nhớ đến định lý Pythagore trong hình học.
Người ta nói định lý cuối cùng của Fermat là đỉnh núi Hymalaya trong lý thuyết số, và cuốn sách của Singh là câu chuyện lôi cuốn về một thách đố đã từng làm bối rối những bộ óc vĩ đại nhất của thế giới suốt 358 năm. Suốt thời gian gần như bất tận đó là những tìm tòi, khám phá bí ẩn, gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của nhiều thiên tài toán học trên toàn thế giới. Cuối cùng, người giải được bài toán này là Andrew Wiles.
Tại điểm mấu chốt trong chứng minh bài toán Fermat của mình, Andrew đã chứng minh được một ý tưởng gọi là giả thuyết Taniyama-Shimura, giả thuyết tạo nên chiếc cầu mới bắc giữa các thế giới toán học vốn cách xa nhau. Và đọc đến đây chúng ta liên tưởng đến Bổ đề cơ bản trong chương trình Langlands, nơi Ngô Bảo Châu đã đạt được những thành tựu phi thường. Tuy nhiên, con đường của Wiles còn gian nan hơn.
Năm 1993, khi tưởng nhiệm vụ đã kết thúc, Andrew cảm thấy một sai lầm dần dần lộ ra. Ông cũng cảm thấy ngay gánh nặng và trách nhiệm của mình và người ta nói ông đã thật sự trải qua những cơn ác mộng. May thay, và cũng hợp lẽ thay, đến năm 1995, sau một sự xoay chuyển toán học phi thường, sau chớp sáng của trực giác và cảm hứng,Wiles đã đi tới chứng minh kết thúc bài toán Fermat trong cuộc đời nghề nghiệp của ông.
Thành tựu của Andrew Wiles thật vĩ đại: nó không chỉ giải một bài toán hóc búa của cả nhân loại mà còn mở ra những chân trời mới cho sự phát triển của toán học. Thế nhưng, khi Wiles dưới 40 tuổi thì chứng minh của ông còn bị nghi ngờ do tính chưa hoàn chỉnh. Còn khi ông đã chứng minh được một cách triệt để thì tuổi tác quy định trong giải Fields chẳng còn dung nạp ông. Thấu suốt nỗi oan khuất đó, tại ICM 1998 ở Berlin, một giải thưởng đặc biệt của IMU đã được dành riêng tặng ông. Tuy nhiên, trong danh sách bất tử của những người được giải Fields vẫn không có tên ông.
Toàn bộ câu chuyện ly kỳ đó đã hiện ra trong tác phẩm của Singh, một cuốn sách best-seller số một của Anh.
Mật mã, từ cổ điển đến lượng tử
Cuốn sách nổi tiếng thứ hai khiến Singh được vinh danh tại ICM 2010 có tên gọi Mật mã, từ cổ điển đến lượng tử, mô tả cuộc chiến liên miên giữa người viết ra mật mã và phá hoại mật mã. Trong cách viết, tác giả đã phối hợp tài tình kịch tính của nhiều câu chuyện ly kỳ trong số phận con người, trong các cuộc chiến tranh... với những đặc trưng khoa học cũng như sự phát triển tinh tế về kỹ thuật qua nhiều thời đại. Và cuốn sách rất có tính thời sự khi ta liên tưởng tới những bí mật và cách thức giữ gìn bí mật liên quan đến thế giới Internet ngày nay.
Điều lý thú là cả hai cuốn sách nổi tiếng này đều đã được xuất bản bằng tiếng Việt, cùng một dịch giả Phạm Văn Thiều và cùng một Nhà xuất bản Trẻ. Cũng cần nói thêm, năm 2004 Singh xuất bản cuốn Big Bang, một cuốn sách nói về sự hình thành vũ trụ và nhận giải thưởng Science Writing Award của Viện Vật lý Mỹ năm 2006.
Nói đến Singh và giải thưởng Leelavati là nói đến một sự kết hợp tài hoa giữa khoa học và văn học cũng như báo chí. Đấy là một con đường đẹp mà nhiều bạn trẻ có thể đi theo.
TSKH VŨ CÔNG LẬP
Theo tuoitre.vn
Các tin khác |
1. | The scientist who‘s in love with literature
Pham Van Thieu loved writing and poetry from the moment he learnt to read. However, he wanted to be a mathematician. In the end he became a physicist. He has written 18 popular science books and is editor-in-chief of Physics and Youth Magazine.
|
2. | Thư của GS.TSKH Đặng Vũ Minh gửi Tủ sách.
Đây là bức thư của GS. TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) gửi Tủ sách Khoa học và..
|
3. | Chương trình giao lưu Khoa học và Khám phá
Tháng 11/2009, NXB Trẻ cùng nhóm chủ biên bộ sách Khoa học và khám phá tổ chức buổi giao lưu xoay quanh những nội dung khoa học hiện đại.
|