Không bàn đến chuyện, anh có muốn đi viếng hay không, mà chỉ lưu ý là, dù có muốn cũng chẳng ai mở cửa cho anh vào. Nhưng rồi, nhiều báo đều đưa tin, lại có cả ảnh nữa. Thế là, tôi tức tốc ra đường Hoàng Diệu (nơi có nhà riêng của Đại tướng) xem thực hư thế nào. Và, quá đỗi ngạc nhiên: lúc ấy mới là 7 giờ 30 sáng, mà dòng người xếp hàng vào viếng đã kéo sang tận phố Điện Biên Phủ. Rõ ràng, tất cả đều là dân thường như mình, từ các cụ già râu tóc bạc phơ đến các cháu thiếu niên còn ở tuổi ăn tuổi nghịch. Sau hôm ấy tôi còn quay lại Hoàng Diệu nhiều lần, không phải để xếp hàng vào viếng, mà để nhìn những người đi viếng, để nghe tiếng vĩ cầm “Hồn tử sĩ” của Cụ già cỡ tuổi bố mình, để tự soi mình vào những dòng nước mắt của các Mẹ, các Bác, các Cô, các Anh-Chị, các cháu từ Điện Biên, từ Hà Giang, từ Hải Phòng, từ Huế, từ Sài Gòn, từ Phú Quốc … để rồi mà ngẫm suy, mà chiêm nghiệm.
Tôi thuộc lớp người sinh ra vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, nên tuổi thơ đã say đắm với “Chiến thắng Điện Biên”, với “Hò kéo pháo”. Và, tự khi nào hình ảnh Đại tướng đã khắc sâu trong tâm trí bọn trẻ chúng tôi như một dũng tướng, một anh hùng bất khả chiến bại, một niềm tự hào pha chút kiêu hãnh. Lớn lên, có dịp được đi đây đi đó, tiếp xúc với bạn bè nhiều nước, nhất là các bạn châu Phi và Mỹ La Tinh, tôi hiểu thêm ý nghĩa lịch sử vĩ đại của chiến thắng Điện Biên và tầm ảnh hưởng quốc tế to lớn của Đại tướng. Điện Biên là một trận chiến kinh điển tiêu biểu diễn ra ở thời hiện đại. Với chiến thắng Điện Biên, Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy rằng, một nước thuộc địa nghèo có thể tự đứng lên vũ trang đánh thẳng một đế quốc hùng mạnh để tự giải phóng mình. Và như vậy, chiến thắng Điên Biên đã mở cửa cho phòng trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trên toàn thế giới. Thế mà, trong một trận chiến kinh điển như trận Điện Biên, tài trí của người tổng chi huy có vai trò quyết định. Chính vì thế, bạn bè quốc tế luôn gắn Điện Biên với tên của Đại tướng. Nói đến Viêt Nam không thể không nói đến Điện Biên. Nói đến Điện Biên không thể không nói đến tướng Giáp. Hình ảnh Đại tướng ngày càng sâu đậm trong mỗi con dân đất Việt.
Tôi không biết, nên không dám đàm luận về công lao của Đại tướng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chỉ biết là, thống nhất đất nước được ít lâu thì Đại tướng cũng rời khỏi Bộ quốc phòng. Thực lòng, khi thấy Đại tướng phải phụ trách cả những việc rất trái tay như kế hoạch hóa gia đình, tôi đã rất buồn, thậm chí rất bức xúc - cái bức xúc của một người thấy “thần tượng” của mình bị xúc phạm một cách vô lý. Có lần, nhân trao đổi chuyên môn thân tình, tôi đã nói liều với con gái của Đại tướng rằng “Sao Cụ không về nghỉ đi cho khỏe”. Mãi sau này, tôi mới ngộ ra cái ấu trĩ trong vốn tư duy nông cạn rất đáng xấu hổ này của mình. Ngày tôi học phổ thông, trong sách giáo khoa có bài thơ của một tác giả Hungari (mà tôi quên tên) với những câu “Nhỏ nhen thay các anh thích màu mè - Ánh non sông không bằng chút lập lòe – của lòng kia kiêu bạc – Chê Mặt trời rực rỡ, các anh theo – ngọn đèn khói leo heo”. Ôi, cái “màu mè”, nó lập lòe, nó leo heo, nó làm cho tâm hồn ta trở nên kiêu bạc. Những ngày này, đọc các bài viết của các Bác đã từng cùng chiến đấu và làm việc với Đại tướng, nghe các câu chuyện sống trong chương trình TV mà chị Diễm Quỳnh dẫn dắt trên VTV6 tối ngày 13/8, tôi càng hiểu thêm phần con người của Đại tướng và càng xấu hổ về cái câu mà tôi đã từng nói với con gái của Người.
Đã lâu lắm ở ta hai từ “LÒNG TỐT” đã bị che khuất bởi những mưu toan cá nhân, những miếng cơm manh áo, và những “ngọn đèn khói leo heo” tầm thường. Nhìn vào trang chủ của một tờ báo mạng, ngay cả các báo được xem là “nghiêm”, thì đa phần vẫn là các bài về giết chóc, hiếp dâm, trộm cắp, đĩ điếm, ăn chơi, hội hè. Thực lòng, đã nhiều lúc tôi tự hỏi, không biết, tất cả những gì cao đẹp mà ta vẫn nói là phẩm chất của người dân đất Việt có phải là sự thật hay không ? Câu hỏi ấy với tôi đã dường như không phương hóa giải và tôi cũng không dám suy diễn thêm nữa, bởi lẽ, ngộ nhỡ ….
Thật kì diệu, câu trả lời đã bất ngờ xuất hiện vào chính những ngày cả nước tiếc thương tiễn đưa Đại tướng. Không tổ chức, kêu gọi, vận động, không ban này bệ kia, mà hơn một triệu người đã lẳng lặng trật tự đến cùng một điểm, 30 Hoàng Diệu, để bày tỏ cùng một tấm lòng, để nói lên cùng một ước nguyện. Cũng như vậy, hàng vạn người đứng chờ dọc các con phố Hà Nội chỉ để mong được vái chào linh cữu của Đại tướng lần cuối. Rồi hàng vạn người tiễn đưa Người gần trăm km từ Đồng Hới về nơi an nghỉ cuối cùng. Khắp nơi trong cả nước, không ai bảo ai, người ta tự lập bàn thờ, tự tổ chức các điểm viếng Đại tướng. Đây là một sự kiện xã hội vô cùng quan trọng. Nó không chỉ thể hiện sự kính yêu đối với Đại tướng, mà còn có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều: không gì làm lu mờ được bản chất cao quý và của người dân đất Việt. Bản chất ấy sẽ rực sáng vào thời điểm cần thiết để biến thành sức mạnh vô biên.
Cám ơn Đại tướng không chỉ vì những gì Người đã làm cho đất nước này cho dân tộc này, mà còn vì cả những gì vừa diễn ra trong mấy ngày qua để tiễn biệt Người. Cám ơn gia đình Đại tướng đã vượt qua lệ thường, mở rộng cửa để những người dân thường chúng tôi không chỉ được viếng Đại tướng mà còn được soi mình trong nước mắt của nhau, để thêm tin yêu nhau, tin yêu cuộc đời này.
Xin thắp nén hương lòng tiễn Đại tướng về cùng Đất Mẹ.
Nguyễn Trần
Các tin khác |
1. | The scientist who‘s in love with literature
Pham Van Thieu loved writing and poetry from the moment he learnt to read. However, he wanted to be a mathematician. In the end he became a physicist. He has written 18 popular science books and is editor-in-chief of Physics and Youth Magazine.
|
2. | Thư của GS.TSKH Đặng Vũ Minh gửi Tủ sách.
Đây là bức thư của GS. TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) gửi Tủ sách Khoa học và..
|
3. | Chương trình giao lưu Khoa học và Khám phá
Tháng 11/2009, NXB Trẻ cùng nhóm chủ biên bộ sách Khoa học và khám phá tổ chức buổi giao lưu xoay quanh những nội dung khoa học hiện đại.
|