Chàng Feynman ngơ ngác
Chân dung R. Feynman, do Nataly Meerson vẽ. |
Được giáo dục trong một gia đình Do Thái trọng tri thức và tính trung thực, cậu sinh viên MIT đã từng bị bạn bè liệt vào loại cần giúp tìm bạn gái. Sau này, cũng vì cái tính thật thà đến lạc lõng mà chàng giáo sư trẻ trường Cornell luôn bị các cô bỏ rơi ngay sau điệu nhảy đầu tiên hay khi ly vừa cạn. Có lần Feynman tặng bức tranh thiếu nữ cho một quán bar, thế là hàng tối chủ quán dành riêng cho ông một bàn ở vị trí ưu ái cùng một 7up miễn phí. Feynman thích ngồi ở đó, lơ đãng nhìn mấy vũ nữ, suy nghĩ về bài giảng, “chơi” chút vật lý trên mấy tờ giấy ăn, hoặc làm vài ký hoạ. Một hôm, chủ quán xin khách hàng làm chứng trước nhà chức trách về việc quán của mình không vi phạm các quy chế văn hoá cộng đồng, tất cả khách hàng “ruột” đều lảng đi (dại gì mà để mọi người biết mình thường xuyên lui tới quán này), riêng Feynman đứng ra bảo vệ. Thế là trong biên bản thanh tra ghi rõ, người làm chứng là một giáo sư Caltech, mỗi tuần đến quán bốn hoặc năm lần!
Dù việc nhỏ hay to, Feynman không bao giờ trốn tránh sự thật và rất ghét bệnh sĩ hão. Feynman thường nói, sự thật trước sau cũng lộ ra, vậy thì không nên và không thể che giấu sự thật. Khi tham gia thẩm định sách giáo khoa, ông kiên quyết trả lại quà cáp, thẳng thừng từ chối đi ăn tiệm, và những nhận xét của ông về từng cuốn sách luôn cụ thể và xác đáng. Khi tham gia điều tra nguyên nhân vụ nổ tàu vũ trụ Challenger, ông vạch ra chính xác những lỗi kỹ thuật và quản lý mà các nhà chức trách cố tình lờ đi. Tính thẳng thắn và bộc trực của Feynman thể hiện mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi tranh luận với các nhân vật khổng lồ như Niels Bohr hay Hans Bethe, gặp chỗ cho là không đúng, “cậu nhóc” Feynman 25 tuổi cứ tự nhiên phang “sếp” là ngớ ngẩn hay bảo ý tưởng của sếp là tồi. Feynman tâm sự, mỗi khi tranh luận khoa học ông luôn “ngu ngốc” như vậy, chỉ nghĩ đến khoa học, chẳng hề biết mình đang nói với ai, đơn giản là hay thì nói là hay, còn tồi thì nói là tồi.
Không tự lừa phỉnh
Làm khoa học phải có văn hoá. Văn hoá khoa học trước tiên là tính trung thực tuyệt đối. Cuộc đời và sự nghiệp Feynman là minh chứng tiêu biểu nhất cho văn hoá này. |
Feynman luôn tự cười nhạo bản thân và vô tư chấp nhận sự không hiểu biết. Trong khi mọi người bảo, chơi trống siêu được như Feynman còn khó hơn việc làm ra điện động lực học lượng tử (công trình mang lại cho Feynman giải Nobel), thì ông lại tự nhận mình không biết đọc bản nhạc. Ông siêu về tính toán, tính nhẩm cực nhanh, nhưng lại tự nhận có trí nhớ tồi. Feynman đi thăm nước nào, dù chỉ ít ngày hội nghị, đều học tiếng nước ấy đến mức đủ dùng, nhưng luôn cười là mình nói tiếng “bồi”. Trước khi đến Caltech, rất nhiều trường, viện mời Feynman với sự ưu ái đặc biệt, trong đó có viện nghiên cứu cao cấp Princeton, thì Feynman lại cho rằng họ đã nhầm, đã đánh giá ông quá cao so với khả năng thực có, nên kiên quyết từ chối. Feynman nói: “Tôi là chính mình và tôi không có trách nhiệm phải trở thành người mà họ mong đợi”. Feynman không bao giờ quan trọng hoá bản thân cũng như các kết quả nghiên cứu của mình. Rất hiếm khi mặc bộ complet. Giải Nobel rồi mà vẫn chơi trống tự nhiên như một lãng tử. Khi được hỏi về lý thuyết phân rã bêta của mình, ông bảo “còn lâu mới tìm ra lời giải cuối cùng”. Thậm chí ông còn xem công trình giải Nobel về điện động lực học lượng tử của mình là “một sự lừa bịp”, vì nó để lại nhiều câu hỏi chưa có giải đáp. Khi đã ở đỉnh cao vinh quang, phóng viên hỏi: “Phải chăng ông đang tìm kiếm những định luật vật lý tối hậu?” Trả lời: “Không, tôi chỉ đang tìm hiểu nhiều hơn về tự nhiên mà thôi”. Với Feynman, không có “tối hậu”, không có “vĩ đại”, mà chỉ có khám phá, hoài nghi, để rồi khám phá tiếp. Theo Feynman, làm khoa học khó nhất là không tự lừa phỉnh mình, có vậy thì rồi mới không lừa phỉnh người khác.
Trung thực khoa học là trung thực tuyệt đối
Cuốn bán tự truyện Feynman – Chuyện thật như đùa. |
Để so sánh giữa trung thực khoa học và trung thực đời thường, Feynman kể về một đoạn quảng cáo nói rằng dầu Wesson không ngấm vào thức ăn. Đó là sự thật. Đời thường, quảng cáo như vậy không phải là dối trá. Nhưng với khoa học, như thế chưa đủ trung thực, mà phải nói thêm rằng khi nấu ở nhiệt độ nhất định thì chẳng có dầu ăn nào ngấm vào thức ăn cả, nhưng ở một nhiệt độ khác thì tất cả các loại dầu, kể cả Wesson đều ngấm vào thức ăn. Trung thực khoa học là thứ trung thực cao hơn, thứ trung thực tuyệt đối. Một người bạn nghiên cứu về vũ trụ học băn khoăn không biết nói thế nào về khả năng ứng dụng thực tiễn từ các nghiên cứu của mình. Anh ta băn khoăn vì, thực ra thì chẳng có ứng dụng gì cả, nhưng nếu nói như vậy, thì lấy đâu ra tiền tài trợ. Feynman cho rằng đây là một dạng không trung thực. Không thể đòi hỏi ai đó tài trợ cho một nghiên cứu chẳng phục vụ gì cho họ. Không được lừa bịp những người ngoài ngành để có ít tiếng tăm và tiền bạc. Một công bố khoa học trung thực phải nêu rõ cả ưu lẫn nhược của kết quả nhận được trong mối liên quan với các kết quả khác. Câu chuyện về phép đo điện tích electron sau Milikan (giải Nobel về đo điện tích electron và hiệu ứng quang điện) là ví dụ điển hình về thiếu trung thực trong khoa học thực nghiệm. Ai cũng đo được giá trị cao hơn của Milikan, nhưng lại nghĩ chắc hẳn Milikan phải đúng, nên đã “chỉnh” kết quả của mình cho gần với Milikan. Bây giờ ai cũng biết kết quả đo của Milikan không thực sự đúng, vì ông đã dùng giá trị không chính xác của “độ nhớt” không khí. Giá trị đúng phải là cao hơn. Với Feynman, khoa học cần có bằng chứng. Vì vậy, ông lên án các lang băm chữa bệnh bằng “đức tin”, ông cũng không ưa những chuyện thần giao cách cảm hay những gì có tính siêu nhiên. Cũng chính vì thiếu “bằng chứng” mà Feynman không mặn mà với khoa học nhân văn. Ông ghét triết lý. Khi được hỏi vì sao không thích triết học, Feynman nói, cái mà ông không thể chịu được không phải là triết học mà là thứ thông thái rởm.
Làm khoa học phải có văn hoá. Văn hoá khoa học trước tiên là tính trung thực tuyệt đối. Cuộc đời và sự nghiệp Feynman là minh chứng tiêu biểu nhất cho văn hoá này. Vật lý đã mang lại cho Feynman giải Nobel, còn tính trung thực và hài hước làm ông sống mãi trong hàng triệu triệu trái tim bình dị.
Các tin khác |
1. | The scientist who‘s in love with literature
Pham Van Thieu loved writing and poetry from the moment he learnt to read. However, he wanted to be a mathematician. In the end he became a physicist. He has written 18 popular science books and is editor-in-chief of Physics and Youth Magazine.
|
2. | Thư của GS.TSKH Đặng Vũ Minh gửi Tủ sách.
Đây là bức thư của GS. TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) gửi Tủ sách Khoa học và..
|
3. | Chương trình giao lưu Khoa học và Khám phá
Tháng 11/2009, NXB Trẻ cùng nhóm chủ biên bộ sách Khoa học và khám phá tổ chức buổi giao lưu xoay quanh những nội dung khoa học hiện đại.
|